Tuổi 35 trở thành “lời nguyền” của dân văn phòng: Làm đến Giám đốc vẫn bị cho nghỉ việc, rải CV không ai phản hồi và đành làm shipper để kiếm sống

Nguyệt, Theo Nhịp sống thị trường 00:01 25/04/2024

Nhiều dân văn phòng trở thành nạn nhân của làn sóng sa thải hàng loạt khi chuẩn bị bước sang tuổi 35.

Tuổi 35 có thật sự là trở ngại lớn trong sự nghiệp? Đối với nhiều dân văn phòng ở Trung Quốc thì trong những năm gần đây, 35 là cột mốc "đáng sợ" khi không ít người gần độ tuổi này đã rơi vào làn sóng sa thải, dù có đang làm vị trí cao ở các tập đoàn lớn. Điều tạo nên sự khác biệt của nhóm lao động này trong mắt nhà tuyển dụng: Họ yêu cầu được trả lương cao, đã giảm sự nhạy bén nhưng không sẵn sàng làm thêm giờ như người trẻ mới ra trường.

Khi làn sóng sa thải đột ngột ập đến, họ phải chật vật tìm cách mưu sinh, chắt bóp chi tiêu khi trên vai đang mang gánh nặng tài chính của không chỉ bản thân mà còn của gia đình.

Chật vật sống sau khi bị sa thải ở tuổi 35

Xiao Li (32 tuổi) từng làm quản lý bán hàng của tập đoàn nước ngoài. Trong mắt lãnh đạo, anh là người năng nổ, thích tham gia các hoạt động xã hội, thậm chí chấp nhận làm thêm ngoài giờ. Tuy nhiên sau 3 năm dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của công ty bị trì trệ, tài chính sụt giảm khiến doanh nghiệp này buộc phải tuyên bố sa thải nhân viên. Xiao Li là một trong những người đầu tiên có tên trong danh sách.

Đối với Xiao Li, thất nghiệp giống như một "cú tát" vào tài chính của gia đình anh. Bởi trong những năm qua, vợ Xiao Li đã nghỉ làm để tập trung nuôi con nên mọi gánh nặng tài chính đều đổ dồn lên vai chồng. Một khi Xiao Li mất việc, toàn bộ cuộc sống của gia đình sẽ thay đổi.

"Tôi cảm thấy rất tuyệt vọng. Tôi không ngờ bản thân lại rơi vào tình cảnh khốn cùng này sau 15 năm làm việc. Vợ tôi vừa mang thai đứa con thứ hai, do ốm nghén nặng nên cô chỉ có thể nghỉ ngơi ở nhà. Đứa con đầu đang học Tiểu học và có học phí lớn cần trả hàng tháng. Số tiến tôi vay mua nhà vẫn chưa được hoàn tất", Xiao Li thở dài.

Tuổi 35 trở thành “lời nguyền” của dân văn phòng: Làm đến Giám đốc vẫn bị cho nghỉ việc, rải CV không ai phản hồi và đành làm shipper để kiếm sống - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Để có đủ tiền nuôi cả gia đình, Xiao Li bắt đầu cắt giảm hết mức nhu cầu cá nhân. Hàng ngày, anh vẫn ra ngoài tìm việc làm nhưng để tiết kiệm chi phí xăng xe khi di chuyển bằng ô tô, anh chuyển sang đi bộ. Sau nửa năm thất nghiệp nhưng vẫn chưa tìm thấy việc làm, Xiao Li đã tâm sự chuyện thất nghiệp với vợ. Tuy nhiên, dù sau đó gia đình đã chắt bóp chi tiêu hết mực, tấm lưng của Xiao Li ngày nào cũng ướt đẫm mồ hôi vì đi bộ đến nơi phỏng vấn thì số tiền dự trữ cũng ngày càng cạn dần. Xiao Li ước tính, để vẫn duy trì được tiền trả nợ mua nhà và các nhu cầu sinh hoạt cơ bản, anh chỉ đành bảo con trai đầu nghỉ các lớp học phụ đạo đắt đỏ.

"Chúng tôi đã chăm chỉ trong quá khứ. Nhưng việc thất nghiệp dài ngày trong khi trên vai còn gánh nhiều khoản nợ khiến tôi kiệt sức", Xiao Li than thở.

Một trường hợp khác, Sun Li (38 tuổi) từng làm chuyên viên cấp cao tại bộ phận R&D ở Thâm Quyến. Anh đã không tìm được việc làm kể từ khi bị sa thải cách đây 1 năm. Sun Li nói rằng, cuộc sống hiện tại của anh không quá vất vả do đã hoàn thành việc mua nhà. Tuy nhiên gánh nặng lại đến từ chi phí học tập đắt đỏ của con cái.

“Tôi không thể bảo chúng ngừng việc học. Hai đứa trẻ đều đang đi học, chúng cần được vào các lớp ôn luyện Đại học tốt nhất, nếu còn muốn thi đậu vào các trường tốt”, Sun Li nói.

Trước đó, anh đã biết thông tin bản thân chuẩn bị sa thải từ nửa năm trước. Dù đã chuẩn bị rải CV trước khi chính thức rời công việc từ sớm, tuy nhiên do kỳ vọng ở chỗ làm mới quá cao nên cho đến khi nghỉ việc, Sun Li vẫn chưa tìm được vị trí phù hợp. "Đó là quyết định hoàn toàn sai lầm của tôi. Giá như tôi đã nhận lời đảm nhiệm công việc trước khi làn sóng sa thải lan rộng, nếu không hoàn cảnh gia đình đã không quá chật vật".

Tuổi 35 trở thành “lời nguyền” của dân văn phòng: Làm đến Giám đốc vẫn bị cho nghỉ việc, rải CV không ai phản hồi và đành làm shipper để kiếm sống - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Giám đốc chuyển sang làm shipper vì không đủ tiền sống

Cất đi cái mác quản lý bán hàng, Xiao Li đã chuyển sang làm nhân viên giao đồ ăn vì mãi không tìm được việc. Anh thường đi phỏng vấn vào buổi sáng, buổi chiều nghỉ ngơi và đến tối bắt đầu làm nghề giao đồ ăn.

Xiao Li nói rằng, việc giao đồ ăn rất vất nhưng có thể giúp anh kiếm 300 - 500 NDT/ngày (1 - 1,7 triệu đồng). Thu nhập từ giao đồ ăn có thể bù đắp phần nào chi phí sinh hoạt của cả gia đình, trong khi khoản tiền tiết kiệm từ trước được anh dùng để trả tiền mua nhà và tiền học của con.

"Tuy công việc này không kiếm được nhiều tiền. Nhưng thật tốt là tôi không thấy mệt mỏi như trước đây, ngày nào tôi cũng làm chăm chỉ nhưng cuối cùng ước mơ cũng chẳng đi đến đâu. Tôi vẫn cảm thấy may mắn khi bản thân bị sa thải nhưng vẫn nhận được tiền bồi thường. Người bạn thân thiết của tôi, cũng phải nghỉ việc sau 2 tháng nhận được quyết định, nhưng anh ta đã phải ra đi với tay trắng", Xiao Li tâm sự.

Tuổi 35 trở thành “lời nguyền” của dân văn phòng: Làm đến Giám đốc vẫn bị cho nghỉ việc, rải CV không ai phản hồi và đành làm shipper để kiếm sống - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Xiao Li nói thêm, một người bạn của anh, chỉ cách đây 1 năm thôi, anh ấy từng làm Giám đốc với mức lương hàng tháng luôn trên 20.000 NDT (~70 triệu đồng). Tuy nhiên, người bạn này đã bị công ty sa thải ở tuổi 35. Anh ta từng ngày ngày đều đặn gửi CV, tìm kiếm đến các mối quan hệ làm ăn trong quá khứ để nhờ vả nhưng cuối cùng vẫn chịu cảnh thất nghiệp. Cuối cùng, anh ta cũng chuyển sang làm shipper như Xiao Li và giờ có thể kiếm được 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng/tháng).

"Đi qua gần nửa đời, tôi nhận thấy kỷ năng hay kinh nghiệm không phải yếu tố quan trọng nhất giúp bạn giữ được vị trí của mình. Nếu không có năng lực quá xuất sắc thì độ tuổi 35 sẽ khiến bạn nhanh chóng bị sa thải, không thể 'tái chế' thêm ở nơi làm việc", người bạn này thở dài khi nói chuyện với Xiao Li.